Khi đầu tư chứng khoán, chắc hẳn bạn đã nghe nói đến thuật ngữ hay chỉ số VN30, vậy chỉ số VN30 là gì? VN30 gồm những mã cổ phiếu nào? Đây là một thuật ngữ cơ bản bạn cần nắm rõ trước khi đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Trong bài viết này, FininMe sẽ cùng bạn đi trả lời câu hỏi trên và giúp bạn hiểu rõ hơn về chỉ số VN30 có ý nghĩa gì?
VN30 là gì?
VN30 là chỉ số đại diện cho nhóm 30 mã cổ phiếu hàng đầu có vốn hóa lớn được niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Nhóm cổ phiếu VN30 có giá trị vốn hóa cao nhất, thanh khoản lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chỉ số VN30 ra đời vào ngày 6/2/2012, với mục đích thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả cổ phiếu trong nhóm VN30.
30 doanh nghiệp trong rổ VN30 chiếm đến 80% tổng vốn hóa toàn thị trường. Vì thế chỉ số VN30 có tác động rất lớn đến chỉ số chung VN-INDEX.
Chỉ số VN30 có ý nghĩa gì?
Cùng với chỉ số chung VNINDEX, thì chỉ số VN30 cũng là chỉ số chứng khoán vô cùng quan trọng trong việc thể hiện cung cầu của các mã cổ phiếu trên thị trường. Vậy chỉ số VN30 có ý nghĩa như thế nào trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chỉ số VN30 có ý nghĩa đối với thị trường chứng khoán như sau:
1. Đại diện cho các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn và có lượng thanh khoản cao
VN30 được xem là chỉ số thể hiện cho nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn (hay còn gọi là cổ phiếu bluechip). Các cổ phiếu của nhóm VN30 đặc biệt thu hút các nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư dài hạn. Bởi vì, nhóm cổ phiếu VN30 có các doanh nghiệp lớn, tài chính vững vàng và hoạt động kinh doanh, sản xuất hiệu quả.
Ngoài ra, các mã cổ phiếu trong VN30 có khối lượng giao dịch lớn và đồng thời thanh khoản cao. Chỉ số VN30 đại diện cho những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, thanh khoản giao dịch cao. Vì thế, khi chỉ số VN30 có biến động sẽ tác động lớn đối với chỉ số thị trường chung VNINDEX.
2. Thể hiện các doanh nghiệp đứng đầu lĩnh vực, ngành nghề
Các cổ phiếu của nhóm VN30 hầu hết là các doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực, ngành nghề chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh không hiệu quả, yếu kém trong ngành sẽ bị loại bỏ khỏi rổ VN30 và được thay thế bởi doanh nghiệp khác tiềm năng hơn.
Vì thế, rổ VN30 luôn có sự thay đổi các doanh nghiệp với nhau vào các kỳ đánh giá cơ cấu lại danh sách. Doanh nghiệp nào không còn tiềm năng, không đáp ứng đủ các tiêu chí sẽ bị loại khỏi danh sách.
3. Thể hiện xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm
Chỉ số VN30 liên tục có sự thay đổi và biến động qua từng thời kì, công ty nào không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách rổ 30 cổ phiếu. Sự biến động, thay đổi là do sự chuyển dịch thay đổi xu hướng đầu tư từ công ty này sang công ty khác hay từ ngành này sang ngành khác.
Do vậy, các nhà đầu tư có thể dựa vào chỉ số VN30 để nắm bắt được xu hướng của thị trường và chọn ra ngành tiềm năng phát triển.
Các tiêu chí để vào rổ VN30
Vậy tiêu chí để vào rổ VN30 như thế nào? Các doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như sau thì được vào rổ VN30:
- Giá trị vốn hóa: là những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất đang giao dịch trên thị trường
- Tỉ lệ free-float: là tỉ lệ khối lượng cổ phiếu sẵn sàng/tự do chuyển nhượng trên thị trường
- Thanh khoản giao dịch: là những cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất tren thị trường
- Thời gian niêm yết: là thời gian niêm yết cổ phiếu so với thời điểm hiện tại
Các bước chọn 30 cổ phiếu vào rổ VN30
Dựa vào các tiêu chí trên thì sẽ có các bước chọn cổ phiếu vào rổ VN30 như sau:
Bước 1. Lọc theo giá trụ vốn hóa
Tiêu chí đầu tiên là doanh nghiệp cần phải thuộc nhóm 50 cổ phiếu được sắp xếp theo thứ tự giảm dần có giá trị vốn hóa bình quân hàng ngày trong 6 tháng chưa điều chỉnh free-float. Loại trừ các cổ phiếu vào diện cảnh báo, tạm dừng giao dịch và thời gian niêm yết dưới 6 tháng.
Tuy nhiên, với các cổ phiếu có giá trị vốn hóa thuộc trong top 5 của thị trường thì chỉ cần thời gian niêm yết trên 3 tháng.
Bước 2. Lọc theo tỉ lệ Free-float (chuyển nhượng tự do)
Đầu tiên cần tìm hiểu Free-Float là gì? Free-Float là tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.
Cổ phiếu nào có tỷ lệ free-float sẵn sàng/ tự do chuyển nhượng trên thị trường dưới 5% sẽ bị loại khỏi danh sách nhóm VN30.
Bước 3. Lọc theo thanh khoản giao dịch
Sau khi các cổ phiếu đạt 2 tiêu chí trên sẽ được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân 6 tháng từ cao dến thấp. Sau đó, 20 cổ phiếu đứng đầu danh sách sẽ được chọn vào rổ VN30.
Còn các cổ phiếu đứng thứ hạng dưới sẽ được chọn lọc tiếp theo thứ tự ưu tiên cổ phiếu cũ rồi đến cổ phiếu mới từ thứ hạng 21-40.
Bước 4. Công bố danh sách rổ VN30
Sau 3 bước trên, HOSE sẽ họp lần cuối để xem xét chọn cổ phiếu vào nhóm VN30. Sau đó, sẽ được công bố bộ chỉ số mới vào ngày thứ 2, tuần thứ 4 của tháng 1 và tháng 7 hàng năm.
Công thức tính chỉ số VN30
Ở trên bảng giá chứng khoán, chỉ số VN30 được hiển thị bằng con số như hình, vậy chỉ số VN30 được tính ra bằng công thức gì?
Cách tính chỉ số VN30 được dựa theo công thức như sau:
VN30-Index = CMV/BMV
CMV = ΣiN* 100 = P1i*Q1i*f1i*c1i
BMV = ΣNi = P0i*Q0i*f0i*c0i
Trong đó:
- CMV – là tổng giá trị vốn hóa của 30 doanh nghiệp trong rổ VN30 tại thời điểm hiện tại
- BMV – là giá trị vốn hóa của 30 doanh nghiệp trong rổ VN30 tại thời điểm cơ sở
- P1i – mức giá của cổ phiếu, xác định ở thời điểm hiện tại
- Q1i – số lượng cổ phiếu được xác định tại thời điểm hiện tại
- f1i – tỉ lệ cổ phiếu free-float sẵn sàng/ tự do chuyển nhượng trên thị trường
- C1i – hệ số cho thấy tỷ trọng giới hạn vốn hóa của cổ phiếu i. Điều kiện giới hạn không vượt quá 10%
- P0i – mức giá của các cổ phiếu được xác định ở thời điểm cơ sở
- Q0i – khối lượng cổ phiếu xác định ở thời điểm cơ sở
VN30 gồm những cổ phiếu nào? Danh sách 30 cổ phiếu
Dưới dây là danh sách các cổ phiếu nằm trong VN30 (cập nhật cuối quý 3/2022). Đâu là top 30 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (danh sách được sắp xếp theo thứ tự từ A-Z)
STT | Mã chứng khoán | Tên doanh nghiệp | Lĩnh vực ngành nghề |
---|---|---|---|
1 | ACB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu | Tài chính – Ngân hàng |
2 | BID | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam | Tài chính – Ngân hàng |
3 | BVH | Tập đoàn Bảo Việt | Bảo hiểm |
4 | CTG | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam | Tài chính – Ngân hàng |
5 | FPT | Công ty Cổ phần FPT | Công nghệ – Giáo dục |
6 | GAS | Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần | Dầu khí |
7 | GVR | Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam | Sản xuất công nghiệp |
8 | HDB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát Triển Thành phố Hồ Chí Minh | Tài chính – Ngân hàng |
9 | HPG | Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát | Sản xuất công nghiệp |
10 | KDH | Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền | Bất động sản |
11 | MBB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội | Tài chính – Ngân hàng |
12 | MSN | Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan | Sản xuất – Bán lẻ – Hàng tiêu dùng |
13 | MWG | Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động | Bán lẻ – Hàng tiêu dùng |
14 | NVL | Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va | Bất động sản |
15 | PDR | Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt | Bất động sản |
16 | PLX | Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam | Dầu khí |
17 | PNJ | Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận | Bán lẻ – Tiêu dùng |
18 | POW | Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam | Dầu khí |
19 | SAB | Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn | Hàng tiêu dùng – Đồ uống |
20 | SSI | Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI | Tài chính – Chứng khoán |
21 | STB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín | Tài chính – Ngân hàng |
22 | TCB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam | Tài chính – Ngân hàng |
23 | TPB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong | Tài chính – Ngân hàng |
24 | VCB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam | Tài chính – Ngân hàng |
25 | VHM | Công ty Cổ phần Vinhomes | Bất động sản |
26 | VIC | Tập đoàn Vingroup – Công ty Cổ phần | Đa ngành (Bất động sản – Xây dựng – Du lịch – Dịch vụ – Y tế …) |
27 | VJC | Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet | Hàng không |
28 | VNM | Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam | Sản xuất thực phẩm |
29 | VPB | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng | Tài chính – Ngân hàng |
30 | VRE | Công ty Cổ phần Vincom Retail | Bất động sản dịch vụ |
Những câu hỏi thường gặp
VN30 index là gì?
VN30 index là chỉ số bao gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản cao được niêm yết trên sàn HOSE.
VN30 gồm những mã nào?
VN30 bao gồm 30 mã chứng khoán với nhiều ngành nghề khác nhau, danh sách mình có để ở đây.
Tóm lại
Qua bài viết này, mình hy vọng bạn đã hiểu rõ chi tiết hơn về chỉ số VN30 là gì? Có ý nghĩa gì đối với thị trường? Một số tiêu chí để được vào rổ VN30?
Chúc bạn đầu tư chứng khoán thành công!